Sốt đất bùng phát, chưa lo “bong bóng” vỡ?

Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về khả năng xảy ra “bong bóng” bất động sản trong năm 2018.

Theo HoREA, “thủ phạm chính” gây ra các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương là giới đầu nậu và cò đất với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng. Nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân TP.HCM và các tỉnh, tình hình sốt ảo giá đất, giá đất nền hiện nay tại các địa phương đã bước đầu được kiểm soát, hạ nhiệt. Riêng, đối với thị trường căn hộ chung cư là phân khúc thị trường lớn nhất của thị trường bất động sản, đã không xảy ra hiện tượng sốt giá, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã giảm giá bán căn hộ chung cư, nhất là các dự án căn hộ vừa túi tiền.

Sốt đất bùng phát, chưa lo “bong bóng” vỡ?

Ảnh minh họa

Đối chiếu các nguyên nhân dẫn đến “bong bóng” bất động sản năm 2007 và 2010, có 4 lý do khiến HoREA, cho rằng, “bong bóng” khó có cơ hội xuất hiện trong năm 2018.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP cả nước năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua, là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý. Nền kinh tế không có tăng trưởng nóng. Các thành phần kinh tế đang có xu thế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh, với 126.859 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017, số vốn đăng ký là 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,6 lần về số lượng doanh nghiệp, và tăng 2,5 lần về số vốn đăng ký so với năm 2016.

Riêng quý 1/2018, có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 278.000 tỷ đồng. Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5-6,7%, là mức tăng trưởng tích cực và hợp lý.

Thứ 2, tăng trưởng tín dụng của cả nước năm 2017 đạt 18,17% (chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng tín dụng nóng 37% của năm 2007); dự kiến năm 2018 tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% cũng là mức tăng tích cực và hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt; đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho 05 lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (Năm 2018, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, chủ yếu là lĩnh vực bất động sản; Theo lộ trình, tỷ lệ này sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 01/01/2019); các ngân hàng thương mại không có hiện tượng buông lỏng tín dụng hoặc cho vay dưới chuẩn; lãi suất huy động hiện nay khá ổn định; lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ trong khoảng 9,3-11%/năm.

Vấn đề đáng quan ngại là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017 tăng gần 15% so với năm 2016 và chiếm 18% trong tổng tín dụng, trong đó, có 52,9% tổng tín dụng tiêu dùng cho vay với mục đích mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà ở (tăng 3,4% so với năm 2016), mà một phần không nhỏ có thể đã chuyển qua kinh doanh bất động sản, cần phải được kiểm soát chặt chẽ trong năm 2018.

Thứ 3, trên thị trường bất động sản hiện nay, có 02 nhân tố cần được tiếp tục quan tâm để quản lý, kiểm soát, đó là: (i) Vẫn còn có tình trạng lệch pha cung – cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng (condotel), và đang “sốt giá ảo” đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực; (ii) Đồng thời, cũng đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong đó, có cả giới đầu cơ, đầu nậu. cò đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, tạo sóng, lướt sóng. đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Tuy nhiên, hai yếu tố nêu trên chỉ phản ánh một phần thị trường bất động sản, và chủ yếu xảy ra ở phân khúc đất nền, đất nông nghiệp và condotel, chỉ có thể tạo ra các cơn sốt giá ảo, cục bộ, nhất thời, chứ không thể gây ra “bong bóng” trên toàn bộ thị trường bất động sản. Cơn sốt giá ảo này cũng gây tác hại cho thị trường bất động sản, làm lệch pha dòng tiền đầu tư, nhất là có thể gây thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường bị hạ nhiệt;

Thứ 4, trong năm 2018, không có khả năng xảy ra “bong bóng” bất động sản còn do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu “bong bóng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *