Công nghệ 4.0 tác động đến BĐS du lịch – nghỉ dưỡng như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang làm thay đổi cơ chế hoạt động của ngành du lịch toàn cầu và tác động trực tiếp đến sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

Theo CBRE, trên thực tế, các chủ đầu tư và đơn vị quản lý khách sạn đang thay đổi cách tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ – những người dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh và Internet.

Sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến, cũng như sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Các công nghệ mới (e-concierge, chatbot, rô bốt phục vụ) đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của khách sử dụng khách sạn.

Các đại lý đặt phòng trực tuyến (OTA) như Booking và Agoda đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến của rất nhiều du khách. Mặc dù Airbnb mới xuất hiện trên thị trường khoảng 10 năm trở lại đây nhưng nền tảng này đã ghi nhận 5 triệu lượt đăng ký cho thuê tại 191 quốc gia. Trong khi đó, 10 đơn vị quản lý khách sạn lớn nhất thế giới hiện mới đang quản lý xấp xỉ 6,1 triệu phòng.

Dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy tính tới tháng 8/2018, Hà Nội và Tp.HCM ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê trên Airbnb trong khi số phòng của các khách sạn 4-5 sao hiện hữu trên địa bàn chỉ là 17.426 phòng. Tuy nhiên, giá cho thuê trung bình của Airbnb tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với giá cho thuê của khách sạn 4-5 sao. Nền tảng này hiện chỉ đang cạnh tranh trực tiếp với khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn do có sự tương đồng trong mức giá, và chưa tạo nhiều thách thức cho phân khúc 4-5 sao.

Chính sự phát triển của công nghệ, sự thích ứng kịp thời của Việt Nam trong nắm bắt công nghệ mà bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Hai năm vừa qua, mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân của Việt Nam đạt 27%. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Nguồn cung sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng liên tục tăng tại các thị trường truyền thống. Tính đến quý I/2018, nguồn cung tích lũy tại Nha Trang là 26.404 phòng; nguồn cung tương lai đến năm 2020 là 34.249 phòng. Tương tự, các con số này tại Đà Nẵng là 19.800 và 34.559; Phú Quốc là 6.683 và 15.600…

Theo ông Robert McIntosh, Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Châu Á – Thái Bình Dương, một lượng lớn các sản phẩm sẽ sớm được bàn giao và sẽ gây áp lực cạnh tranh với các nhà đầu tư cho thuê. Do đó, các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ chiến lược marketing và chính sách bán hàng phù hợp nhằm tăng sức hút của sản phẩm đối với khách hàng nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tính bền vững trong mô hình kinh doanh.

Thúy An

(Theo Enternews.vn) 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *