Đêm phá cỗ của những ngày xưa cũ, tuy giản dị và đơn sơ đến vô cùng nhưng lại để lại cho ta một dư vị mãi mãi không bao giờ có thể quên được.
Tháng tám rộn ràng khiến ta rơi vào những vùng ký ức ngọt ngào của đêm Trung thu thời thơ ấu. Háo hức trước đêm rằm, ta cùng cùng đám trẻ con hàng xóm tự làm đèn ông sao, đèn từ lon bia, hộp xà phòng.
Vui nhất là đêm rước đèn, cả nhóm rình rang đi khắp xóm, ê a những bài hát không đầu không cuối. Rồi lại túm tụm nhau, háo hức ngắm “dây pháo” hạt bưởi nổ đen đét và sáng lóa cả một góc sân. Cuối cùng, mỗi người sung sướng chia nhau nếm những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm ngậy…
Những ký ức tuổi thơ ấy chính là “nguyên liệu” hình thành nên tính cách của mỗi người. Sự giản dị đầm ấm ấy nuôi dưỡng cho ta sự yêu thương gia đình, sự quan tâm, sẻ chia với bạn bè hay thậm chí là tinh thần học hỏi, sáng tạo…
Trung thu luôn mang lại niềm vui bất tận cho mỗi đứa trẻ, còn với người lớn, ngày Tết này lại mang một ý nghĩa rất riêng.
Theo quan niệm xưa, trăng tròn là biểu tượng của sum họp, vì vậy rằm tháng tám cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong những ngày ngày, người con tha hương muốn tìm về quê cũ, còn cha mẹ sẽ khao khát một mâm cơm đủ đầy mọi thành viên.
Xã hội hiện đại, nhiều người mải mê với cuộc sống bận rộn và nhịp sống ồn ào mà vô tình quên đi ý nghĩa của mùa trăng tròn. Trẻ em bị hấp dẫn bởi thiết bị kỹ thuật số hiện đại, không còn cảm giác đếm ngược từng ngày, tụm nhau phá cỗ. Còn người trưởng thành, vì muôn vàn lý do, mà không thể về cùng cha mẹ mình uống trà thưởng trăng như những ngày ký ức.